Theo thống kê của Bộ Lao động, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành hiện nay là 60%. Những câu chuyện tốt nghiệp Quản trị kinh doanh, “đá chân” sang nông nghiệp, “lấn sân’ qua giáo dục, “dừng chân” ở IT đã chẳng còn hiếm gặp. Trái ngành, trái nghề liệu có thảm họa như nhiều người vẫn nói “Sau tốt nghiệp là thất nghiệp” hay không? Bài viết này sẽ chia sẻ câu chuyện chung của rất nhiều bạn sinh viên làm trái ngành trái nghề cùng giải đáp những thắc mắc trong việc chuyển ngành, chuyển nghề từ Mentor của chương trình NGO Mentoring 1:1 – anh Tuấn Anh, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, tác giả của 2 cuốn sách “Nhắm mắt bắt được việc” và “Định vị bản thân”
I, Tôi mơ hồ giữa lưng chừng tuổi trẻ
Người ta thường nói, mông lung mơ hồ nhất là tuổi 18, là cái tuổi của học sinh cuối cấp chọn ngành chọn nghề vào đại học trong khi bản thân gần như chẳng có trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp ấy, vậy mà một sinh viên tốt nghiệp tấm bằng giỏi Quản trị kinh doanh như mình lại một lần nữa, rơi vào cái mơ hồ mông lung đấy ở lưng chừng tuổi 22. Tuổi 18 nghe gia đình họ hàng khuyên học ngành Quản trị “sau này nhiều tiền lắm”, mình “nhắm mắt đưa chân” vào một trường đại học cũng được gọi là tiếng tăm ở Hà Nội. Ra trường thực tập phát hiện công việc khác xa những điều mình vẫn tưởng tượng khi vẫn ngồi trên giảng đường, chán nản, mệt mỏi mỗi ngày phải gọi điện đến hàng trăm số khách hàng để sale mà chỉ nhận được những cú dập máy thẳng tay chẳng thèm từ chối. Ở độ tuổi 22, cũng chẳng biết chọn nghề thế nào luôn trong khi bạn bè cùng trang lứa có đứa đã yên vị ở một vị trí tốt nào đó trong một tập đoàn nào nhờ MT hay các cuộc thi business.
II, Đâu là “lối thoát” cho những người đã lỡ trái ngành trái nghề
1, Có nên theo đuổi ước mơ hay nhìn nhận thực tế
|Theo đuổi ước mơ cũng đúng mà bạn sống thực tế với những gì xã hội đòi hỏi cũng đúng. tại sao mà mình phải tách bạch 2 vấn đề này ra nhỉ?
Chia sẻ từ Mentor Tuấn Anh: Theo đuổi ước mơ hay nhìn nhận thực tế bản thân mới là đúng? Với anh, anh thấy theo đuổi ước mơ cũng đúng mà bạn sống thực tế với những gì xã hội đòi hỏi cũng đúng. Nhưng mà anh đặt câu hỏi ngược lại cho cái này thôi, đó là tại sao mà mình phải tách bạch 2 vấn đề này ra nhỉ? Vì anh nghĩ đây là hai giai đoạn trên con đường nghề nghiệp của mọi người á. Giai đoạn một là mình khám phá bản thân mình-giai đoạn thực tế. Rồi giai đoạn hai thì từ những cái gì thực tế mình đang có thì mình mới xây dựng một cái mục tiêu, một cái ước mơ cho bản thân. Mà thực ra đã là ước mơ thì anh đâu thấy ước mơ nào là đúng hay là sai đâu. Tại vì nó chỉ khác nhau cái chuyện các bạn đạt được ước mơ ấy như thế nào. Rồi từ đó mình mới ráp cái thực tế đó vào trong ước mơ của mình. Chốt lại, với anh, cả hai cái theo đuổi ước mơ và nhìn nhận thực tế đều đúng. Và quan trọng là ở mỗi người, mình hiểu bản thân mình có cái gì, rồi từ đó mình mới ráp cái thực tế đó vào cái ước mơ của mình.
2, Có nên theo đuổi đam mê không liên quan chuyên ngành hiện tại không?
|“Vậy thì bạn ấy có nên bỏ cái tài chính để theo cái nhảy hay không?”
Anh sẽ đặt lại một câu hỏi cho các bạn là cái chuyên ngành học hiện tại của các bạn á, có giúp gì được cho đam mê của các bạn không? Ví dụ nhé, gần đây anh biết có một bạn đam mê về nhảy chẳng hạn, nhưng bạn ấy đang học ngành tài chính và buộc bạn ấy phải học ngành tài chính. Nếu bạn ấy hỏi gia đình, thì gia đình sẽ hỏi bạn ấy là “Không được, con phải học tài chính đi, vì cái tài chính là công việc ổn định hơn mà”, rồi “con học tài chính đi thì bố mẹ mới lo được cho con, còn học mấy cái nhảy nhót nghệ thuật thì làm gì có tương lai”. Nhưng mà nếu mình hỏi một người trong giới showbiz chẳng hạn thì câu trả lời là em có ước mơ thì em phải theo đuổi nó đến cùng, em phải quyết tâm với nó đến cùng. Vậy thì tại sao mình lại không kết hợp giữa hai cái đó nhỉ? Ví dụ như bạn ấy học xong, bạn ấy ra ngoài làm việc cho một công ty tài chính chẳng hạn, bạn ấy dành dụm tiền để cuối tuần bạn ấy đi học thêm, về nhảy, về nghệ thuật. Hoặc là nếu bạn có đầu óc về kinh doanh chẳng hạn, bạn có thể dùng kiến thức về tài chính để mở một công ty về nhảy để thỏa mãn đam mê của bạn.
3, Sinh viên cần trang bị những kỹ năng, kiến thức gì để thích ứng với môi trường việc làm thay đổi như hiện nay?
|Trong hướng nghiệp có một công thức tuyển dụng, đó là để có được một công việc, bạn cần có 3 yếu tố sau
Thực ra ở trong hướng nghiệp ấy, có một công thức tuyển dụng, để có được một công việc thì các bạn cần có ba yếu tố. Thứ nhất là bạn cần kiến thức kỹ năng. Thứ hai là các bạn cần có các mối quan hệ. Thứ ba là các bạn hiểu về thị trường tuyển dụng. Nên, nếu mà các bạn học trái ngành, các bạn ra ngoài đi làm, thì ở đây cái phần kiến thức kỹ năng các bạn hơi bị thiếu một chút. Nhưng mà ngược lại, các bạn có thể bổ sung những cái khác. Ví dụ, bổ sung các mối quan hệ của mình hoặc bổ sung những kỹ năng cần thiết ở công việc mới. Hôm nay anh mới đọc một cái báo cáo về những kĩ năng cần thiết cho thế kỉ XXI á, thì người ta chia ra làm ba cái nhóm kỹ năng. Thứ nhất là kỹ năng học tập. tức là các bạn có khả năng học tập suốt đời. Thứ hai là kỹ năng mình gọi là Literacy Skills, tức là khả năng biết đọc, biết viết, sử dụng kĩ năng IT đơn giản như Gmail, Google Drive. Và cái cuối cùng là Life Skills, những cái liên quan đến giao tiếp ở công sở, thích ứng môi trường mới,… Thì đó là tất cả những gì các bạn cần.
4, Nếu chọn sai ngành có nên bỏ ngay không?
|Mình học ngành gì thì mình học, mục đích cuối cùng để là gì?
Tất cả mọi vấn đề về hướng nghiệp đều phụ thuộc vào mỗi cá nhân cần bóc tách vấn đề của người đó ra, hoàn cảnh gia đình, cuộc sống xung quanh như thế nào thì mình mới bắt đầu ra được cái vấn đề. Ví dụ em là một bạn sinh viên năm nhất, em rất thích những gì liên quan đến sáng tạo, những gì liên quan tới con người, nhưng mà em bị ba mẹ hay ai bắt học một ngành liên quan đến kế toán, đến số liệu. Nó làm em stressed, làm em thi trượt không có đậu một môn nào hết. Thì đó có thể là thời điểm em suy nghĩ để chuyển nghề, tại vì nó đang gây ảnh hưởng đến tinh thần của em. Tuy nhiên giả sử như một bạn khác, bạn ý đã học năm 3 năm 4 rồi chẳng hạn, rồi gia đình hoàn cảnh nhà bạn cũng khó khăn, ba mẹ bạn ấy cũng không hỗ trợ được thêm về tài chính cho bạn ấy học thêm một cái ngành tiếp theo nữa, thì bạn ấy sẽ làm gì? Nên mình quay lại một cái câu chuyện là mình học ngành gì thì mình học, mục đích cuối cùng để là gì? Để là, mình có được một công việc sau khi ra trường, thì cái công việc đó, mọi người nhớ lúc đầu anh nói không, cái công thức tuyển dụng á, bằng kĩ năng, kiến thức, cộng với các mối quan hệ, và cộng với lại nhu cầu của thị trường tuyển dụng. Nên, có thể là các bạn học một cái ngành, nó có thể chưa đúng hoàn toàn, nhưng nếu mà các bạn vẫn chăm chỉ tham gia các cái hoạt động bên ngoài, các bạn vẫn mở rộng mạng lưới quan hệ của mình, các bạn vẫn đi học thêm các kĩ năng a, kĩ năng b, thì các bạn hoàn toàn có thể tìm được công việc tốt mà.
Chia sẻ từ Mentor Tuấn Anh, một trong số ít những người để lại cho mình một ấn tượng vừa gần gũi, vừa sâu sắc đến như thế.
P/s:
Những câu chuyện hoang mang giữa tuổi 20 đâu phải là chuyện của riêng ai. Với sứ mệnh giúp các bạn tìm thấy con đường sự nghiệp riêng của mình và thành công ứng tuyển vào các công ty tư nhân, khóa học Mentoring được ra đời. Với đội ngũ Mentor là những quản lý cấp cao tại các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp quốc tế như Liên Hợp Quốc, UNICEF, Habitat for Humanity,… NGO Mentoring 1:1 chính là một cơ hội để các bạn có thể tìm được một người đồng hành vừa “có tầm” và vừa “có tâm” để chỉ dẫn cho bạn trên con đường sự nghiệp phía trước.
Nhà phát minh Newton từng nói: Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ. Vì sao chúng ta lại không tự tạo cho mình một cơ hội được đứng trên vai những Mentor “đỉnh’ như vậy để đạt được một cái nhìn xa hơn, rõ hơn về con đường sự nghiệp của mình và phát triển những kỹ năng quyết định để có được công việc mơ ước.